Cách đặt bếp theo Huyền Không Phi Tinh

Phong Thủy Lê Thực
0

Nguyên lý cân bằng thủy – hỏa trong phong thủy nhà ở là nguyên tắc sắp xếp, bố trí làm sao để khí thủy và khí hỏa đạt trạng thái cân bằng.

Trong đó:

- Thủy là nguồn sống của vạn vật, nên đối với con người chính là của cải, lương thực (Vì vậy mới có câu Thủy quản tài).

- Hỏa là nguồn tăng trưởng và phát triển của vạn vật.

Phòng bếp hợp phong thủy phải là phòng bếp tạo được sự cân bằng Thủy-Hỏa trong nhà. Hay nói cách khác là dùng phòng bếp là nguồn dẫn Hỏa trực tiếp để đem lại thế quân bình Thủy-Hỏa ngay trong môi trường sống.

Theo thuyết phong thủy thì Hỏa là nguồn tăng trưởng và phát triển của vạn vật, mà phòng bếp thường là nơi Hỏa vượng nhất trong căn nhà, nên ảnh hưởng đầu tiên của phong thủy phòng bếp là tới vấn đề sức khỏe của mọi người sống trong căn nhà đó.

Lưu ý: Cách đặt bếp theo phong thủy nói chung hay phong thủy phòng bếp nói riêng thì vị trí đặt bếp là quan trọng nhất. Bởi vậy vẫn có câu “Nhất vị, nhị hướng”.

Theo thuyết phong thủy Huyền không thì phong thủy phòng bếp cũng quan trọng nhất “Vị trí bếp”, về “hướng bếp” không được coi trọng. Cụ thể là chỉ xét Sơn tinh, hướng tinh tại vị trí bếp, chứ không quá coi trọng hướng của bếp.

Theo Huyền Không thì nơi để bếp chủ về sức khỏe và nhân đinh. Bếp đặt vào cung có Sơn tinh là sinh, vượng khí, sẽ làm cho người nhà khỏe mạnh, con cái mau thành đạt.

Khi bếp được đặt ở vị trí sơn tinh là sinh khí hay vượng khí thì nhân đinh vượng. Nhân đinh vượng ở đây không có nghĩa là làm tăng thêm nhân số trong gia đình, mà có nghĩa là “Làm cho vợ chồng hòa thuận, con cái thông minh, ngoan hiền, mọi người trong nhà mạnh khỏe, thành đạt“.

Hai trường hợp cần đặc biệt lưu ý về vị trí đặt bếp như sau:

Trường hợp thứ 1: Nhà có “Vượng thủy”, Bếp cần đặt ở vị trí mà Sơn tinh là Sinh khí, Vượng khí.

Ví dụ: Nhà có “Thủy cục” vượng, Bếp cần đặt ở vị trí mà Sơn tinh có Sinh khí, Vượng khí.

Nhà ở có cổng, cửa vừa lớn, vừa đắc sinh, vượng khí, mà chung quanh nhà lại có sông, hồ, biển lớn… cũng đắc sinh, vượng khí. Theo Huyền không phi tinh thì “Thủy cục” của nhà đó cực vượng. Lúc này, dù phong thủy phòng bếp có được tính toán, bố trí hoàn bị đến đâu đi nữa (như Bếp cách xa buồng tắm, bồn rửa chén, bể nước…, Bếp không đối diện cửa). Thì nhà đó vẫn sẽ bị vượng Thủy. Và mất sự cân bằng của Thủy-Hỏa. Khiến cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình không tốt.

Cho nên muốn lập lại được thế cân bằng Thủy-Hỏa cho căn nhà đó thì bếp cần phải được đặt tại những nơi có khí sinh, vượng của Sơn tinh, có như thế thì vượng Thủy của căn nhà mới được chế ngự, và Hỏa mới không còn bị Thủy lấn áp. Lý do là vì Sơn tinh (bất kể phi tinh là hành gì) 1 khi là sinh, vượng khí đều lấy Thổ (núi) làm đầu (cũng như Hướng tinh nếu là khí sinh, vượng cũng đều lấy Thủy làm trọng).

Một khi Thủy khí của căn nhà quá mạnh, Hỏa khí của bếp không địch nổi, gây tổn hại đến sức khỏe của các thành viên sống trong nhà đó. Vì vậy cần đặt bếp tại nơi có vượng khí của Sơn tinh, tức là mượn sức Thổ mà kềm chế Thủy. Lại còn lấy Hỏa (của bếp) sinh Thổ, khiến cho Thổ khí đã vượng lại còn được sinh, có như thế mới đủ sức chế ngự Thủy mà tái lập lại thế quân bình Thủy-Hỏa.

Trường hợp 2: Nhà “Vượng sơn”, Bếp cần đặt ở vị trí mà hướng tinh là suy khí hay tử khí.

Với trường hợp nhà có cách cục “Vượng Sơn” thì thì đặt bếp ở vị trí có sơn tinh là suy khí hay tử khí nhưng có hướng tinh là sinh khí, vượng khí.

Một sai lầm vô cùng nguy hại trong phong thủy phòng bếp đó là khi: Nhà vượng sơn nhưng lại đặt Bếp ở những khu vực có Hướng tinh là sinh, vượng khí. Đây là 1 sai lầm tai hại vì đem bếp (Hỏa) vào đặt tại chỗ có vượng Thủy, khiến cho Thủy-Hỏa tương khắc mà làm hao tổn cả Tài-Đinh.

Chính vì vậy nên trong “Thẩm thị Huyền không học” mới nhắc nhở phải tránh đặt bếp nơi chỗ có vượng khí.

Nếu nơi này có thêm bồn rửa chén hoặc bể nước… thì tài sẽ vượng nhưng đinh không vượng.

Còn nếu bếp đạt được những điều kiện tiêu chuẩn như xa lánh thủy, hoặc bếp lớn, được xử dụng thường xuyên… thì nhà tuy đông người nhưng tài lộc suy sụp.

Vì vậy nên người xưa mới có câu:”Thủy là nguồn của Hỏa, Hỏa là chủ của Thủy” chính là vì Hỏa tuy bị Thủy khắc, nhưng có thể sinh ra Thổ mà chế ngự Thủy vậy.

Những nhà đã có Thủy khí cực mạnh mà vẫn tạo được sự cân bằng Thủy-Hỏa là những nhà đại phúc lộc, tài lộc, nhân đinh đều sẽ cực vượng.

Ngược lại, nếu không có sự cân bằng đó thì Thủy sẽ áp chế Hỏa, khiến cho nhà đó tuy giàu có nhưng thường hay bị rơi vào tình trạng cô đơn hay tuyệt tự.

Cho nên bếp đặt tại khu vực có vượng khí của Hướng tinh thì hoặc là làm cho Thủy-Hỏa xung khắc, hoặc là làm cho Thủy-Hỏa mất quân bằng nên đều là vấn đề tai hại và cần phải tránh.

Ngoài ra, cũng cần tránh đặt bếp tại những vị trí sau:

- Bếp nằm gần, hay đối diện với cửa ra vào: Vì dễ làm cho tài lộc (và nhiều khi cả nhân đinh) suy bại. Tuy rằng đôi khi những vị trí này cũng có thể làm vượng nhân đinh, nhưng những trường hợp đó không nhiều. Nếu không thể nhất định phải có bình phong.

- Bếp nằm gần, hay đối diện với cửa phòng ngủ: Dễ làm cho người ngủ trong phòng tính tình nóng nảy, hay cáu giận, khó ngủ, nhiều khi còn bị hao tán tiền của, hoặc phát sinh ra nhiều bệnh tật (tùy theo phi tinh đến cửa phòng là sao gì).

- Bếp nằm gần, hay đối diện, hoặc chung vách với bàn thờ: (nhất là bàn thờ ông bà, tổ tiên) thì con cháu trong nhà dễ mắc nhiều bệnh tật, tai họa.

- Bếp nằm ngay tại trung tâm điểm của căn nhà: Sẽ làm suy bại cả nhân đinh lẫn tài lộc.

- Bếp nằm tại khu vực có Sơn tinh Ngũ Hoàng: Thì con cái thường yểu, hư hỏng, hỗn láo, bất hiếu (trừ khi Ngũ Hoàng là vượng khí của Sơn tinh thì không kể – chỉ ở vận 5).

- Bếp nằm tại khu vực có Sơn tinh Nhị Hắc: Nhà dễ có quả phụ (đàn bà góa chồng), trừ khi thế cục của căn nhà đã có hóa giải thì mới thoát khỏi, hoặc Sơn tinh Nhị Hắc là vượng khí thì lại làm vượng nhân đinh.

- Bếp nằm tại những khu vực khác: Như có Hướng tinh số 9 (Cửu tử), hoặc có những cặp số 7 – 9, 9 – 7, 2 – 7, 7 – 2 thì không những là làm cho người trong nhà dễ nóng nảy, xung đột, hay bị đau tim, cao máu, mà còn làm hao tán tài lộc lớn, cũng như dễ gây ra hỏa hoạn (trừ khi 1 trong những số đó là vượng khí của Sơn tinh thì lại làm vượng nhân đinh, nên sẽ không bị những tai họa đó).

Vì vậy, 1 khi bếp đã được đặt ở vị trí tốt thì ngoài vấn đề tránh nằm sát vách với phòng tắm, hay gần (hoặc đối diện) với cửa phòng tắm, bếp cũng cần tránh nằm gần, hay đối diện với bồn rửa, cầu thang, hoặc nằm bên dưới cầu thang. Đó đều là những thiết kế xấu mà khiến cho nhân đinh trong nhà bị suy bại.


HƯỚNG BẾP HỢP PHONG THỦY

Sau khi xem xét vị trí của bếp, nếu có thể mới tính đến hướng bếp. Còn nếu không thể xoay chuyển hướng thì cũng không sao.

Hướng bếp là chủ về tài lộc. Nếu hướng bếp (phía lưng người nấu) có hướng tinh là sinh, vượng khí thì rất tốt cho tài lộc.

Hướng bếp tốt khi đặt bếp có hướng tinh là:

·         Nhất bạch (số 1 – Thủy): Được “Thủy hỏa ký tế” nên là bếp tốt.

·         Tam bích, tứ lục Mộc (số 3, 4 – Mộc): Mộc sinh hỏa nên cũng là bếp tốt.

·         Bát bạch (số 8 – Thổ): Hỏa sinh Thổ (bát bạch là cát tinh) nên là bếp tốt vừa.

Hướng bếp xấu khi đặt bếp có hướng tinh là:

·         Nhị hắc, Ngũ hoàng (số 2, 5 – Thổ): Cũng hỏa sinh thổ nhưng nhị hắc và ngũ hoàng là hung tinh nên là bếp xấu.

·         Lục bạch, thất xích (số 6, 7 – Kim): Hỏa khắc Kim nên là bếp xấu

·         Cửu tử (số 9 – Hỏa): Tuy là tị hòa nhưng vài trường hợp hỏa gặp hỏa –> Quá vượng thì không những là làm cho người trong nhà dễ nóng nảy, xung đột, hay bị đau tim, cao máu, mà còn làm hao tán tài lộc lớn, cũng như dễ gây ra hỏa hoạn. Vì vậy là bếp xấu.

·         Bếp ở vị trí có sơn hướng tinh kết hợp thành hỏa hậu thiên hay hỏa tiên thiên (2-7); (7-2); (7-9); (9-7)

Tuy nhiên, trong phong thủy nhà ở quan trọng nhất tạo sự cân bằng Thủy-Hỏa. Vì vậy trước khi đặt bếp cần kiểm tra tổng thể phong thủy căn nhà đó xem mức độ cân bằng Thủy-Hỏa như thế nào để có cách đặt bếp hợp phong thủy nhất.

Về cầu thang và lối đi chiếu vào bếp thì lại cần coi tinh bàn như thế nào.
Đặt tinh bàn của nhà vào tâm của bếp.

·         Nếu hướng cầu thang hay lối đi chiếu vào có sinh, vượng khí của hướng tinh thì được coi là tốt.

·         Còn ngược lại nếu là suy tử khí của hướng tinh thì được coi là xấu.

Tắc Tiên giải thích trong sách “Trạch Đoán”.

Phép định vị trí bếp là lấy phi tinh ở hướng làm chính. Hướng miệng lò đối về phương nào là vấn đề quan trọng. Có thể không cần xét tới khí suy vượng sinh tử, nhưng phương vượng thì nên tránh thì vẫn phải tránh; rất nên ở vị trí Mộc hướng về Thổ hoặc ở vị trí Thổ hướng về Mộc; lấy Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ làm cát.

Miệng lò hướng Nhất Bạch, để lấy thủy hỏa ký tế cũng cát.

Nhưng nên kỵ phương vị tọa hướng của 2 sao phi tinh Nhị Hắc Ngũ Hoàng; vì nguyên do Cự Môn là bệnh phù, còn Liêm Trinh chủ các bệnh dịch.

Phương Cửu Tử thì hỏa khí quá thịnh, phải lo nghĩ hỏa hoạn hao tài, cho nên cũng là tọa hướng phải kỵ.

Các tọa hướng như Lục Bạch, Thất Xích thì phạm hỏa kim tương khắc, chủ về các tệ hại thường hay sinh chuyện cãi vã hoặc có bệnh chứng về phổi và máu huyết, nên cũng là tọa hướng không dùng được. Vả chăng, Lục Bạch (Càn) là trời, hỏa đốt tới cửa trời là chủ xuất nghịch tử, đặt bếp ở phương vị Lục Bạch thì trong nhà dễ xuất hiện con cái hư hỏng, phá phách.

Tags

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
Đăng nhận xét (0)